Hướng đi mới ở Tân Hiệp

Đăng lúc: Thứ hai - 18/11/2013 05:13 - Người đăng bài viết: admin
(QT) - Quay trở lại thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị) lần này, chúng tôi thực sự vui mừng khi bóng dáng của những người rà tìm phế liệu thưa dần. Ông Đào Văn Tùng, trưởng thôn Tân Hiệp cho biết: “Những năm trước đây làng tôi có đến 90% dân số làm nghề rà tìm phế liệu thì nay con số đó chỉ còn chưa đến 10%. Người dân đã dựa vào vườn đồi để trồng rừng, cao su, chăn nuôi và làm lúa nước thay cho công việc mưu sinh đầy rủi ro ấy. Sự thay đổi tích cực đó đã mở ra một hướng làm kinh tế bền vững, an toàn góp phần xây dựng cuộc sống mới ở Tân Hiệp ngày một khởi sắc hơn”.
Hướng đi mới ở Tân Hiệp

Hướng đi mới ở Tân Hiệp

Chỉ vài năm trước đây, cả làng Tân Hiệp từ người lớn đến trẻ nhỏ đều thành thạo trong việc sử dụng máy rà và phân biệt được âm thanh phát ra từ lòng đất. Làng có 234 hộ với 1.038 nhân khẩu nhưng lại có đến 90% dân cư tham gia tìm phế liệu. Tìm đến nhà ông Lê Vinh, một người có thâm niên trong việc rà tìm phế liệu nay trở thành ông chủ của một trang trại chăn nuôi trâu, bò lớn nhất nhì thôn, trò chuyện với ông, chúng tôi mới thấy hết nỗ lực cố gắng từ những ngày đầu gian khó. 

Ông Vinh cho biết: “Từ bỏ việc rà tìm phế liệu là tự cắt đi nguồn sống của gia đình nhưng tôi vẫn quyết rời xa nó để đi tìm một hướng làm ăn mới. Tôi thấy ở vùng đồi núi này, đồng cỏ nhiều nên vợ chồng tôi đã vay vốn để đầu tư nuôi trâu, bò. Chỉ 2 năm sau, vợ chồng tôi không chỉ trả hết nợ mà còn tích cóp xây dựng được ngôi nhà kiên cố”. 

Hiện tại, đàn trâu, bò của gia đình ông lên tới 50 con và tỏ ra thích nghi tốt với điều kiện thiên nhiên. Trâu ở đây chủ yếu thả rừng còn bò chăn thả gần đất đồi nên không tốn công chăn giữ. Hàng năm gia đình ông Vinh cũng lãi được 70-80 triệu đồng từ việc chăn nuôi trâu, bò. 

Hợp đồng khai thác nhựa thông cho các lâm trường và chủ rừng cũng là một hướng mang lại hiệu quả kinh tế cao nơi đây. Hướng đi ấy đã góp phần làm đổi thay cảnh nghèo túng của những con người lam lũ vốn một thời chỉ biết đến rà tìm phế liệu. Anh Nguyễn Văn Thi cho biết: “Từ khi bỏ nghề rà tìm phế liệu, cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá lên nhiều nhờ vào việc hợp đồng khai thác nhựa thông với các chủ rừng. Bên cạnh đó, tôi còn làm thêm lúa nước, trồng rừng và phát triển chăn nuôi để cải thiện đời sống. Bây giờ, anh em trong gia đình tôi ai cũng xây được nhà kiên cố nhờ biết bám ruộng vườn, đồi núi để làm ăn”. 

Song hành với hướng khai thác nhựa thông là khai thác gỗ tràm cho các chủ rừng. Những người sành sỏi nhất trong rà tìm phế liệu đã chủ động từ bỏ nghề rà phá để đầu tư mua máy cưa, xẻ gỗ để hợp đồng khai thác tràm cho các chủ rừng trong và ngoài vùng. Ông Tùng cho biết: “Hiện nay, toàn thôn có trên 50 máy cưa cầm tay chạy bằng xăng, 3 máy xẻ gỗ phục vụ cho các lâm trường. Bình quân cứ cưa, tách vỏ 1 tấn gỗ thì chủ máy cưa thu về 400 đến 500 nghìn đồng. Đây là số tiền cao gấp 6 lần so với bình quân thu nhập hàng ngày từ rà phế liệu nên rất nhiều người đầu tư. Thanh niên vốn là lực lượng rà tìm phế liệu chủ chốt ở đây nhưng mấy năm trở lại đây, các cháu đã chủ động rời xa việc đó để học nghề, số đông còn lại vào miền Nam làm công nhân. Tính ra bình quân thu nhập mỗi năm của họ cao hơn nhiều lần so với việc rà tìm phế liệu nên thanh niên làng tôi rất yên tâm làm việc”. 

Anh Nguyễn Văn Hoàng (22 tuổi) vốn là một người rà tìm phế liệu giỏi ở vùng này nhưng đã không quyết định theo “nghề” mà chọn học cắt tóc để lập nghiệp. “Hồi ấy, kinh tế gia đình khó khăn nên cực chẳng đã tôi mới đi rà tìm phế liệu. Nay tôi chọn nghề cắt tóc để lập nghiệp dài lâu. Mỗi ngày tôi cũng kiếm được 150 đến 200 nghìn đồng nên quên luôn “nghề” rà tìm phế liệu rồi”, anh Hoàng tâm sự. 

Hiện nay, thôn Tân Hiệp đã mang bóng dáng của một miền quê trù phú và yên bình. Những ngôi nhà xây kiên cố, khang trang xuất hiện ngày một nhiều, nông dân sản xuất giỏi cấp xã, huyện đã không còn đếm trên đầu ngón tay. Người dân đã biến đồi hoang thành rừng tràm, cao su, phát triển lúa nước, chăn nuôi lợn, trâu bò thay cho công việc rà phá phế liệu trước đây. 

Nhận xét về sự thay đổi này, ông Lê Văn Tỵ, Bí thư Đảng ủy xã Cam Tuyền cho biết: “Việc người dân Tân Hiệp từ bỏ rà tìm phế liệu để quay về làm lúa nước và kinh tế vườn đồi, chăn nuôi đã mở ra một hướng đi mới cho người dân nơi đây nói riêng và toàn xã nói chung. Chúng tôi xác định đây là một hướng làm kinh tế mang tính bền vững và an toàn. Vì thế trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con trong xã từ bỏ dần việc rà tìm phế liệu và tập trung phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống nhân dân”.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
Hội doanh nhân việt nam
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
Hoi doanh nghiep TP HCM

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 36
  • Hôm nay: 8365
  • Tháng hiện tại: 239207
  • Tổng lượt truy cập: 5545709